Thông tư 02/2019/TT-BVHTTDL quy định về giám định tư pháp đối với quyền tác giả, quyền liên quan

Thông tư 02/2019/TT-BVHTTDL quy định về giám định tư pháp đối với quyền tác giả, quyền liên quan.

Ngày 05/7/2019, Bộ Văn Hóa, Thể Thao Và Du Lịch ban hành Thông tư 02/2019/TT-BVHTTDL có hiệu lực thi hành từ ngày 01/9/2019. Thông tư quy định quy trình giám định tư pháp về quyền tác giả, quyền liên quan theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định tư pháp, áp dụng đối với người giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến giám định tư pháp về quyền tác giả, quyền liên quan.

Khoản 2,3 Điều 3 Chương I Thông tư nêu rõ: “Người giám định tư pháp về quyền tác giả, quyền liên quan bao gồm giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực văn hóa thuộc chuyên ngành phù hợp đã được bổ nhiệm, công bố theo quy định của pháp luật về giám định tư pháp; Tổ chức giám định tư pháp về quyền tác giả, quyền liên quan bao gồm Bộ VHTTDL, Sở VHTTDL các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Văn phòng giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc có hoạt động chuyên môn phù hợp đã được công bố theo quy định của pháp luật về giám định tư pháp”

Chương II Quy định toàn bộ quy trình giám định tư pháp về quyền tác giả, quyền liên quan bao gồm các bước như sau:

  • Bước 1: Tiếp nhận yêu cầu, trưng cầu giám định

Người giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp tiếp nhận trưng cầu, yêu cầu giám định kèm theo đối tượng giám định và tài liệu, mẫu vật có liên quan (nếu có), trường hợp không đủ điều kiện giám định bị từ chối theo quy định của pháp luật về giám định tư pháp.

  • Bước 2: Chuẩn bị thực hiện giám định
  • Người giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp tiến hành nghiên cứu hồ sơ, các quy định pháp luật;
  • Người giám định tư pháp có thể tự mình tiến hành lấy mẫu giám định hoặc đề nghị người trưng cầu, yêu cầu giám định cung cấp mẫu giám định;
  • Tổ chức giám định tư pháp quyết định thực hiện bằng hình thức giám định cá nhân hoặc giám định tập thể đối với những vụ việc phức tạp;

Tổ chức giám định tư pháp lựa chọn giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp, phân công người chịu trách nhiệm điều phối.

  • Bước 3: Thực hiện giám định

Người giám định tư pháp xem xét đối tượng giám định và sử dụng kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn để đánh giá, kết luận về những vấn đề có liên quan đến quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định của pháp luật trên cơ sở hồ sơ trưng cầu, yêu cầu giám định.

  • Bước 4: Kết luận giám định
  • Bước 5: Bàn giao kết luận giám định và lập hồ sơ, lưu trữ hồ sơ giám định.

Với những quy định cụ thể và chặt chẽ, Thông tư về quy trình giám định tư pháp về quyền tác giả, quyền liên quan được kỳ vọng sẽ góp phần xác định rõ vai trò,vị trí, trách nhiệm của người giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp cũng như tầm quan trọng của quyền tác giả, quyền liên quan, từ đó đẩy lùi những vấn nạn về xâm phạm bản quyền tác giả, quyền liên quan đang diễn ra ngày càng phổ biến hiện nay.