Sửa đổi và bổ sung luật Kinh doanh bảo hiểm và Sở hữu trí tuệ phù hợp với CPTPP

Sửa đổi và bổ sung luật Kinh doanh bảo hiểm và Sở hữu trí tuệ phù hợp với CPTPP

Để thực hiện Thỏa thuận toàn diện và tiến bộ về quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), tổng số luật cần sửa đổi và bổ sung là 8, bao gồm Luật kinh doanh bảo hiểm và Luật sở hữu trí tuệ đã được Quốc hội thông qua vào ngày 14 tháng 6 năm 2019.

Sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm

1. Bổ sung mục 32a vào sau mục 32 Phụ lục 4 Danh mục ngành nghề, đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 90/2015/QH13, Luật số 03/2016/QH14, Luật số 04/2017/QH14 và Luật số 28/2018/QH14 với nội dung: “32a. Dịch vụ phụ trợ bảo hiểm bao gồm tư vấn bảo hiểm, đánh giá rủi ro bảo hiểm, tính toán bảo hiểm, giám định tổn thất bảo hiểm, hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm”.

2. Bổ sung các khoản 21, 22, 23, 24, 25 và 26 vào sau khoản 20 Điều 3 để giải thích các từ ngữ:

  • Dịch vụ phụ trợ bảo hiểm
  • Tư vấn bảo hiểm
  • Đánh giá rủi ro bảo hiểm
  • Tính toán bảo hiểm
  • Giám định tổn thất bảo hiểm
  • Hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm

3. Sửa đổi, bổ sung quy định về ban hành và hướng dẫn thực hiện các văn bản pháp luật về phụ trợ bảo hiểm; giám sát đối với cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm (Khoản 1 và Khoản 4, Điều 120)

4. Bổ sung các quy định về quyền tham gia các tổ chức xã hội nghề nghiệp của các tổ chức và cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm (Điều 11).

5. Sửa đổi và bổ sung các quy định về nội dung quản lý nhà nước cho các hoạt động phụ trợ bảo hiểm (Sửa đổi tên Chương IV và bổ sung Mục 3 vào sau Mục 2 Chương IV).

6. Bổ sung khoản 9a, điều 124 quy định về hành vi vi phạm pháp luật về cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm.

7. Nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đang hoạt động phụ trợ bảo hiểm có thời gian chuẩn bị để đáp ứng các điều kiện cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm và đảm bảo chế tài thực hiện, Điều 4 Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi đã đã quy định điều khoản chuyển tiếp: “Trong thời hạn 1 năm luật này có hiệu lực, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm phải đáp ứng các điều kiện cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm theo quy định tại luật này. Trường hợp sau 1 năm không đáp ứng được các điều kiện theo quy định, thì cá nhân, tổ chức không được tiếp tục cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm cho đến khi đáp ứng đủ điều kiện”.

Sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ

Về sáng chế, sửa đổi khoản 3 và bổ sung khoản 4 vào sau khoản 3 Điều 60 theo hướng dành các đơn nộp vào Việt Nam hưởng ngoại lệ rộng hơn (không giới hạn về địa điểm bộc lộ và thời gian là 12 tháng kể từ ngày thông tin bị bộc lộ).

Về chỉ dẫn địa lý, sửa đổi Khoản 1 và Khoản 3 Điều 80 quy định về đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa chỉ dẫn địa lý.

Bổ sung Điều 120a vào sau Điều 120 trong Mục 4 Chương VIII về công nhận và bảo hộ chỉ dẫn địa lý theo điều ước quốc tế

Về nhãn hiệu, Bổ sung khoản 3 cho Điều 89 Luật Sở hữu trí tuệ quy định đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp được nộp dưới hình thức văn bản là dạng giấy cho cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp hoặc dạng điện tử theo hệ thống nộp đơn trực tuyến.

Sửa đổi khoản 2, điều 136 về nghĩa vụ sử dụng nhãn hiệu;

Sửa đổi khoản 2, bổ sung khoản 3, điều 148 quy định về hiệu lực của hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp.

Về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ

Liên quan đến biện pháp dân sự:

Bổ sung khoản 4, điều 198 quy định tòa án có quyền yêu cầu bên thua kiện phải thanh toán cho bên thắng kiện để đáp ứng nghĩa vụ tại điều 18.74.10 Hiệp định CPTPP, trong trường hơp bên thắng kiện là bị đơn trong vụ kiện về sở hữu trí tuệ.

Bổ sung khoản 5, điều 198 quy định bồi thường thiệt hại do lạm dụng thủ tục bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ để đáp ứng nghĩa vụ tại điều 18.74.15 Hiệp định CPTPP.

Sửa đổi, bổ sung khoản 1 điều 205 về cách tính mức bồi thường trong trường hợp nguyên đơn chứng minh được hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã gây thiệt hại về vật chất cho mình.

Liên quan đến kiểm soát biên giới:

Sửa đổi khoản 1, điều 218 đáp ứng nghĩa vụ tại điều 18.76.4 Hiệp định CPTPP, theo đó, quy định Cơ quan hải quan có nghĩa vụ cung cấp thông tin cho chủ thể quyền sở hữu trí tuệ trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ra quyết định áp dụng biện pháp hành chính để xử lý đối với hàng hóa giả mạo về nhãn hiệu và hàng hóa sao chép lậu.

Các quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi có hiệu lực từ ngày 14/01/2019 đối với các trường hợp:

a) Đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp có ngày nộp đơn từ ngày 14 tháng 01 năm 2019;

b) Yêu cầu hủy bỏ hiệu lực Bằng độc quyền sáng chế, Bằng độc quyền giải pháp hữu ích, Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý được cấp trên cơ sở đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp có ngày nộp đơn từ ngày 14 tháng 01 năm 2019;

c) Yêu cầu chấm dứt hiệu lực của Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu được thực hiện từ ngày 14 tháng 01 năm 2019;

d) Vụ kiện xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được cơ quan có thẩm quyền thụ lý từ ngày 14 tháng 01 năm 2019;

e) Yêu cầu khác về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ được thực hiện từ ngày 14 tháng 01 năm 2019.

Các đơn đăng ký sáng chế, chỉ dẫn địa lý được nộp trước ngày 14 tháng 01 năm 2019 được tiếp tục xử lý theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 36/2009/QH12.

Các hợp đồng sử dụng nhãn hiệu đã ký kết giữa các bên nhưng chưa được đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp trước ngày 14 tháng 01 năm 2019 chỉ có giá trị pháp lý đối với bên thứ ba kể từ ngày 14 tháng 01 năm 2019. Các vụ kiện xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã được cơ quan có thẩm quyền thụ lý trước ngày 14 tháng 01 năm 2019 nhưng chưa giải quyết xong thì tiếp tục áp dụng quy định của Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 36/2009/QH12 để giải quyết.