Việt Nam – Trung Quốc: Triển khai dự án về đổi mới sáng tạo, ứng dụng, bảo hộ sở hữu trí tuệ

Nhằm tăng cường hơn nữa trao đổi và hợp tác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ (SHTT), ngày 14/6/2019, tại Hà Nội, Cục Sở hữu trí tuệ (IP Viet Nam) và Cục Sở hữu trí tuệ Trung Quốc (CNIPA) đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác song phương – cơ sở pháp lý để hai Cơ quan thúc đẩy các dự án và hoạt động hợp tác cùng có lợi liên quan đến đổi mới sáng tạo, ứng dụng, bảo hộ và quản lý SHTT.

Bản ghi nhớ giữa hai Cơ quan nhằm mục tiêu tạo nền tảng hợp tác và phát triển trong lĩnh vực SHTT, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và triển khai chiến lược SHTT quốc gia, luật và chính sách về SHTT của hai nước, cũng như các vấn đề cùng quan tâm khác về SHTT; chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn và hợp tác trong thẩm định và cấp quyền; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; huy động vốn bằng tài sản trí tuệ và các dịch vụ thông tin nhằm tạo thuận lợi cho việc sử dụng tài sản trí tuệ; phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin; trao đổi tư liệu và dữ liệu liên quan đến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và hợp tác phát triển nguồn tư liệu; nâng cao nhận thức công chúng về SHTT.

Bản ghi nhớ hợp tác lần này sẽ thay thế Bản ghi nhớ đã ký ngày 19/10/2017 giữa hai Cơ quan với việc mở rộng lĩnh vực hợp tác sang nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý sau khi CNIPA tiếp nhận thêm hai chức năng này vào năm 2018.

Ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục SHTT Việt Nam cho biết Chính phủ Việt Nam luôn coi trọng sự phát triển khoa học, công nghệ, và đổi mới sáng tạo – trong đó SHTT được xác định là đòn bẩy thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo.

SHTT là một trong những lĩnh vực quan trọng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ – cơ quan được Chính phủ giao làm đầu mối phối hợp với các Bộ ngành quản lý nhà nước về SHTT.

“Việc ký Bản ghi nhớ sẽ tạo nền móng cho các hoạt động hợp tác sâu sắc về chuyên môn không chỉ trong lĩnh vực sáng chế, kiểu dáng công nghiệp mà còn mở rộng sang cả lĩnh vực mà CNIPA mới tiếp quản từ hai cơ quan khác là nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý, góp phần tạo thuận lợi cho việc bảo hộ và thương mại hóa quyền SHTT của doanh nghiệp”, ông Đinh Hữu Phí cho biết thêm.

Theo ông Đinh Hữu Phí, CNIPA hiện nằm trong top 5 Cơ quan SHTT lớn và hiện đại nhất thế giới. Cục SHTT Việt Nam mong muốn có thể học hỏi những lĩnh vực mà CNIPA có thế mạnh như: triển khai dịch vụ công trong đó có định giá và góp vốn bằng tài sản trí tuệ; thương mại hóa tài sản trí tuệ; khai thác CNTT đặc biệt là trí tuệ nhân tạo trong quản trị và thẩm định đơn sáng chế và nhãn hiệu; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao,… chia sẻ kinh nghiệm trong việc áp dụng các giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng thẩm định đơn, đặc biệt là kinh nghiệm xử lý đơn tồn.

Ông Shen Changyu  Cục trưởng CNIPA cũng thông tin, hiện Trung Quốc có hơn 10.000 thẩm định viên Sáng chế và 1.500 thẩm định viên Nhãn hiệu đảm bảo về số lượng cũng như chất lượng. Với việc áp dụng hệ thống giám sát, nâng cao chất lượng thẩm định, CNIPA đặt mục tiêu cho thời hạn thẩm định hơn từ năm 2020 trở đi đối với Sáng chế là 16 tháng, Nhãn hiệu là 4 tháng.

CNIPA đã hoàn thành tổng kết 10 năm thực hiện và đang bắt đầu triển khai giai đoạn tiếp theo của Chiến lược SHTT quốc gia: “CNIPA sẵn sàng chia sẻ với Cục SHTT Việt Nam những kinh nghiệm liên quan, đặc biệt là đánh giá kết quả thực hiện và định hướng giai đoạn mới của Chiến lược SHTT quốc gia của Trung Quốc”.

“Chúng tôi kỳ vọng trong năm 2019 sẽ nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống SHTT thông qua việc nâng tầm quản lý vĩ mô, tạo thuận lợi hơn nữa cho việc phát triển các cơ sở thẩm định SHTT hàng đầu thế giới; Hình thành nền văn hóa SHTT và nỗ lực hơn nữa nhằm bồi dưỡng nhân tài cho lĩnh vực SHTT.

Bên cạnh Lễ ký kết, cùng ngày đã diễn ra Hội thảo “Giới thiệu hệ thống bảo hộ sở hữu công nghiệp của Trung Quốc”. Ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục SHTT Việt Nam cho biết, Hội thảo nhằm giới thiệu với cán bộ, công chức của Cục SHTT Việt Nam và các đại diện SHCN Việt Nam về hệ thống bảo hộ SHCN của Trung Quốc, góp phần nâng cao hiểu biết về thủ tục đăng ký xác lập quyền của cá nhân, tổ chức và các chủ thể liên quan ở hai nước.

Nguồn: Cục Sở hữu trí tuệ