Thời hạn bảo hộ quyền tác giả

Bảo hộ quyền tác giả mang lại một trong những ý nghĩa quan trọng là bảo hộ quyền công dân khi họ tham gia vào hoạt động sáng tạo nhằm khuyến khích nhân dân tham gia, sáng tạo ngày càng nhiều tác phẩm có giá trị. Đồng thời, tạo nên một nên kinh tế tri thức lành mạnh, thúc đẩy sự phát triển của nền công nghiệp không khói này.

Bên cạnh đó, việc đăng ký bảo hộ quyền tác giả còn có vai trò bảo vệ quyền và lợi ích cho những chủ thể sáng tạo, xử lý những hành vi xâm phạm quyền tác giả và bảo đảm công bằng giữa lợi ích của công dân và lợi ích của xã hội.

Căn cứ tại Điều 18 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi bổ sung năm 2009 thì quyền tác giả bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản.

  • Quyền nhân thân là những quyền chỉ thuộc về riêng cá nhân tác giả, không thể chuyển giao cho bất kì ai dưới bất kì hình thức nào thậm chí ngay cả trong trường hợp tác giả đã chết.
  • Quyền tài sản là quyền được hưởng những lợi ích vật chất phát sinh từ đối tượng sở hữu công nghiệp của tác giả.

Vậy thì, những quyền này có hiệu lực trong bao lâu?

Thời hạn bảo hộ quyền tác giả

Theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ hiện hành, những yếu tố sau đây sẽ được bảo hộ mãi mãi:

  1. Tên của tác phẩm;
  2. Tên thật hoặc bút danh của tác giả;
  3. Sự toàn vẹn của tác phẩm;

Ngoài những yếu tố trên, tác phẩm sẽ có thời gian bảo hộ hữu hạn tùy theo đó là loại tác phẩm gì. Cụ thể như sau:

Đối với tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng:

  • Thời hạn bảo hộ là 75 năm kể từ lần đầu tiên công bố.
  • Nếu tác phẩm chưa được công bố sau 25 năm kể từ khi được tạo ra thì thời hạn bảo hộ là 100 năm tính từ lúc tác phẩm được tạo ra.
  • Nếu là tác phẩm khuyết danh, khi có thông tin về tác giả thì tác phẩm được bảo hộ suốt cuộc đời tác giả và thêm 50 năm kể từ khi tác giả chết.

Đối với các tác phẩm không phải là tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng:

  • Thời hạn bảo hộ là suốt cuộc đời tác giả và thêm 50 năm kể từ khi tác giả chết.
  • Nếu có nhiều tác giả thì thời hạn bảo hộ sẽ chấm dứt sau 50 năm kể từ khi tác giả cuối cùng chết.

Sau khi tác giả chết, quyền sở hữu tác phẩm sẽ thuộc về người được thừa kế. Trường hợp không có người thừa kế thì tác phẩm thuộc sở hữu của nhà nước.

Khi thời hạn bảo hộ chấm dứt thì tác phẩm sẽ thuộc về nhân loại. Bất cứ ai cũng có thể sử dụng mà không cần phải xin phép, trả phí.