Đầu tư xây dựng và vai trò trong phát triển kinh tế-xã hội

1. Thế nào là đầu tư xây dựng?

Đầu tư nói chung được hiểu là việc sử dụng phối hợp các nguồn lực vào một hoạt động nào đó nhằm đem lại lợi ích cho chủ đầu tư. Đầu tư có vai trò to lớn đối với nền kinh tế và có thể khẳng định rằng đầu tư là yếu tố cốt lõi duy trì và động lực cho sự tăng truởng và phát triển kinh tế – xã hội.

Theo nhiều tiêu chí khác nhau, đầu tư có nhiều cách phân loại. Theo tiêu chí lĩnh vực đầu tư, đầu tư xây dựng là một trong những loại hình đầu tư được ưa chuộng trên thị trường. Việc xây dựng, mở rộng hoặc cải tạo các công trình xây dựng nhằm mục đích mang lại lợi ích cho nhà đầu tư và một số đối tượng liên quan gọi chung là đầu tư xây dựng. Đầu tư xây dựng là hoạt động đầu tư phổ biến và diễn ra sôi động trên thị trường hiện nay, thu hút nguồn lực lớn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

2. Vai trò của đầu tư xây dựng

Là một loại hình đầu tư không mấy xa lạ, đầu tư xây dựng ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội, cụ thể như sau:

Hoạt động đầu tư xây dựng mạng lại lợi ích lớn cho nhà đầu tư

Đầu tư xây dựng thường tạo dựng tài sản có giá trị sử dụng lâu dài, mang lại hiệu quả khai thác sử dụng hoặc hiệu quả kinh tế cho nhà đầu tư. Đã có nhiều nhà đầu tư thành công với mô hình đầu tư xây dựng, đó đều là nhờ sự đầu tư táo bạo, tận dụng khôn khéo các nguồn lực sẵn có cộng với chiến lược kinh doanh hợp lý của các nhà đầu tư.

Đầu tư xây dựng cung cấp cơ sở hạ tầng phục vụ nhu cầu xã hội

Trên thực tế, đầu tư xây dựng là một nhân tố cốt lõi trong việc hình thành mới, cải tạo hoặc mở rộng các công trình xây dựng, cung cấp cơ sở hạ tầng phục vụ nhu cầu xã hội.

Đầu tư xây dựng tác động hai mặt đến kinh tế – xã hội

Đầu tư nói chung là động lực cơ bản của sự phát triển kinh tế, còn đối với đầu tư xây dựng, mỗi hoạt động đầu tư là sự phối hợp nhiều nguồn lực của nhà đầu tư, phát huy lợi thế sẵn có của xã hội nói chung và nhà đầu tư nói riêng.

Đối với các công trình xây dựng được đầu tư phù hợp về vốn và công nghệ, có thành quả như kế hoạch đặt ra sẽ tạo thuận lợi cho qua trình khai thác công dụng, đáp ứng nhu cầu cấp thiếp về tư liệu sản xuất hoặc nơi lưu cư, từ đó kích thích hoạt động sản xuất phát triển, mở rộng quy mô, thu hút thêm lao động, giảm tình trạng thất nghiệp, nâng cao đời sống cho người lao động hay nói cách khác là nguồn lực tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế, xã hội.

Ngược lại, đầu tư xây dựng không thuận lợi, dự án bị “treo”, hiệu quả sử dụng không cao hoặc không có sẽ là gánh nặng lớn lên nhà đầu tư, tác động tiêu cực đến kinh tế, xã hội. Tình trạng này không những không tạo ra vốn để sản xuất mà còn làm lãng phí tiền vốn, vật liệu, bất động sản, thậm chí, tác hại lớn tới môi trường và hệ sinh thái.

Đầu tư xây dựng góp phần vào sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Đầu tư xây dựng tạo ra hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp- dịch vụ nhằm đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh của toàn bộ nền kinh tế. Hệ thống sản phẩm của quá trình đầu tư xây dựng là tư liệu sản xuất cốt yêu đối với sự phát triển công nghiệp với hệ thống giao thông, nhà xưởng, cảng biển, trung tâm thương mại,…

Ngoài ra, các công trình xây dựng còn mang lại hiệu quả tích cực trong việc kết nối sự phát triển giữa thành thị và nông thôn, miền núi, phát huy tối đa những lợi thế so sánh về tài nguyên – vị trí địa lý – kinh tế – chính trị – xã hội của các vùng, tạo cơ chế lan truyền thúc đẩy các vùng khác cùng phát triển.

Đầu tư xây dựng nâng cao hiệu quả ứng dụng khoa học kỹ thuật

Đầu tư xây dựng là cơ hội ứng dụng và phát huy hiệu quả của thành tựu khoa học kỹ thuật, bởi lẽ trong quá trình thực hiện dự án đầu tư xây dựng các giai đoạn trong dự án đều giữ vai trò quan trọng, nhằm đáp ứng yêu cầu của từng công việc cụ thể tất yếu phải nhờ đến sự hỗ trợ của máy móc, thiết bị – thành quả khoa học công nghệ hiện đại. Sự hỗ trợ này sẽ làm giảm thiểu sự can thiệp của con người đối với các công việc nặng nhọc và độc hại, tăng năng suất lao động, đồng thời giảm chi phí và đảm bảo tốt hơn chất lượng công trình.

Với vai trò như trên trong phát triển kinh tế và cung cấp cơ sở hạ tầng phục vụ xã hội, đầu tư xây dựng là một lĩnh vực đáng quan tâm hiện nay. Tuy nhiên, bên cạnh việc có chiến lược kinh doanh đúng đắn, phối hợp huy động được nhiều nguồn vốn trong các dự án đầu tư, các nhà đầu tư cần nắm vững các khía cạnh pháp lý trong các dự án đầu tư xây dựng để đảm bảo cho sự thành công khi thực hiện các dự án đầu tư xây dựng.