Chỉ dẫn địa lý

1. Khái niệm

Chỉ dẫn địa lý được xác định là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể.

2. Tiêu chuẩn bảo hộ

Chỉ dẫn địa lý được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện:

(i) Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có nguồn gốc địa lý từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý; và

(ii) Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu do điều kiện địa lý của khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý đó quyết định.

3. Đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa chỉ dẫn địa lý

(i) Tên gọi, chỉ dẫn đã trở thành tên gọi chung của hàng hoá ở Việt Nam;

(ii) Chỉ dẫn địa lý của nước ngoài mà tại nước đó chỉ dẫn địa lý không được bảo hộ, đã bị chấm dứt bảo hộ hoặc không còn được sử dụng;

(iii) Chỉ dẫn địa lý trùng hoặc tương tự với một nhãn hiệu đang được bảo hộ, nếu việc sử dụng chỉ dẫn địa lý đó được thực hiện thì sẽ gây nhầm lẫn về nguồn gốc của sản phẩm;

(iv) Chỉ dẫn địa lý gây hiểu sai lệch cho người tiêu dùng về nguồn gốc địa lý thực của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đó.

4. Quyền nộp đơn chỉ dẫn địa lý

Quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý thuộc về Nhà nước của Việt Nam. Tuy nhiên, Nhà nước cho phép các tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, tổ chức tập thể đại diện cho các tổ chức, cá nhân đó hoặc cơ quan quản lý hành chính địa phương nơi có chỉ dẫn địa lý được Nhà nước cho phép có quyền đăng ký Chỉ dẫn địa lý.

5. Quá trình thẩm định đơn

Có hai bước xét nghiệm đối với đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý. Thẩm định hình thức đơn đăng ký Chỉ dẫn địa lý được thực hiện trong vòng một (01) tháng kể từ ngày nộp đơn. Sau khi đơn hợp lệ được chấp nhận về hình thức sẽ được công bố trên Công báo của Cục Sở hữu công nghiệp trong vòng hai (02) tháng kể từ ngày chấp nhận đơn. Thời hạn thẩm định nội dung trong vòng sáu (06) tháng kể từ ngày công bố đơn.

6. Hủy bỏ và đình chỉ Giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý

Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý có thể được hủy bỏ theo yêu cầu của bên thứ ba, trong các trường hợp sau đây:

(i) Chủ sở hữu không có quyền nộp đơn yêu cầu đăng ký;

(ii) Các chỉ dẫn địa lý theo giấy chứng nhận không đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ theo quy định.

Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý có thể bị đình chỉ theo yêu cầu của bên thứ ba, trong trường hợp mà các điều kiện địa lý liên quan đến uy tín, chất lượng, đặc tính của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý bị thay đổi làm mất danh tiếng, chất lượng hoặc đặc điểm của sản phẩm.

* Lưu ý:

Chỉ dẫn địa lý có thể được bảo hộ không chỉ bởi một hệ thống theo thủ tục đăng ký như đã đề cập ở trên mà còn được bảo hộ bởi các công cụ pháp lý thay thế như nhãn hiệu chứng nhận/nhãn hiệu tập thể và luật chống cạnh tranh không lành mạnh.