Tên thương mại, bí mật kinh doanh

I. Bí mật kinh doanh

1. Tổng quan

Bí mật kinh doanh là thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ, chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh doanh.

Quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh được xác lập trên cơ sở có được một cách hợp pháp bí mật kinh doanh và thực hiện việc bảo mật bí mật kinh doanh đó.

Chủ sở hữu bí mật kinh doanh là tổ chức, cá nhân có được bí mật kinh doanh một cách hợp pháp và thực hiện việc bảo mật bí mật kinh doanh đó. Bí mật kinh doanh mà bên làm thuê, bên thực hiện nhiệm vụ được giao có được trong khi thực hiện công việc được thuê hoặc được giao thuộc quyền sở hữu của bên thuê hoặc bên giao việc, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.

2. Điều kiện bảo hộ đối với bí mật kinh doanh

Bí mật kinh doanh được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Không phải là hiểu biết thông thường và không dễ dàng có được;

b) Khi được sử dụng trong kinh doanh sẽ tạo cho người nắm giữ bí mật kinh doanh lợi thế so với người không nắm giữ hoặc không sử dụng bí mật kinh doanh đó;

c) Được chủ sở hữu bảo mật bằng các biện pháp cần thiết để bí mật kinh doanh đó không bị bộc lộ và không dễ dàng tiếp cận được.

Các thông tin bí mật sau đây không được bảo hộ với danh nghĩa bí mật kinh doanh:

a) Bí mật về nhân thân;

b) Bí mật về quản lý nhà nước;

c) Bí mật về quốc phòng, an ninh;

d) Thông tin bí mật khác không liên quan đến kinh doanh.

3. Quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu bí mật kinh doanh

Chủ sở hữu bí mật kinh doanh có quyền: a) Áp dụng bí mật kinh doanh để sản xuất sản phẩm, cung ứng dịch vụ, thương mại hàng hoá; b) Bán, quảng cáo để bán, tàng trữ để bán, nhập khẩu sản phẩm được sản xuất do áp dụng bí mật kinh doanh.

Chủ sở hữu bí mật kinh doanh không có quyền cấm người khác thực hiện các hành vi sau đây:

a) Bộc lộ, sử dụng bí mật kinh doanh thu được khi không biết và không có nghĩa vụ phải biết bí mật kinh doanh đó do người khác thu được một cách bất hợp pháp;

b) Bộc lộ dữ liệu bí mật nhằm bảo vệ công chúng theo quy định tại khoản 1 Điều 128 Luật Sở hữu trí tuệ;

c) Sử dụng dữ liệu bí mật quy định tại Điều 128 Luật Sở hữu trí tuệ không nhằm mục đích thương mại;

d) Bộc lộ, sử dụng bí mật kinh doanh được tạo ra một cách độc lập;

e) Bộc lộ, sử dụng bí mật kinh doanh được tạo ra do phân tích, đánh giá sản phẩm được phân phối hợp pháp với điều kiện người phân tích, đánh giá không có thoả thuận khác với chủ sở hữu bí mật kinh doanh hoặc người bán hàng.

Chủ sở hữu bí mật kinh doanh có nghĩa vụ thực hiện các biện pháp nhằm bảo mật bí mật kinh doanh của mình.

4.  Hành vi xâm phạm quyền đối với bí mật kinh doanh

Các hành vi sau đây bị coi là xâm phạm quyền đối với bí mật kinh doanh:

a) Tiếp cận, thu thập thông tin thuộc bí mật kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của người kiểm soát hợp pháp bí mật kinh doanh đó;

b) Bộc lộ, sử dụng thông tin thuộc bí mật kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu bí mật kinh doanh đó;

c) Vi phạm hợp đồng bảo mật hoặc lừa gạt, xui khiến, mua chuộc, ép buộc, dụ dỗ, lợi dụng lòng tin của người có nghĩa vụ bảo mật nhằm tiếp cận, thu thập hoặc làm bộc lộ bí mật kinh doanh;

d) Tiếp cận, thu thập thông tin thuộc bí mật kinh doanh của người nộp đơn theo thủ tục xin cấp phép kinh doanh hoặc lưu hành sản phẩm bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của cơ quan có thẩm quyền;

e) Sử dụng, bộc lộ bí mật kinh doanh dù đã biết hoặc có nghĩa vụ phải biết bí mật kinh doanh đó do người khác thu được có liên quan đến một trong các hành vi quy định tại các điểm a, b, c và d như trên;

f) Không thực hiện nghĩa vụ bảo mật quy định tại Điều 128 Luật Sở hữu trí tuệ.

II. Tên thương mại

1. Tổng quan

Tên thương mại là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh.

Quyền sở hữu tên thương mại được xác lập trên cơ sở sử dụng hợp pháp tên thương mại đó.

Tên của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp hoặc chủ thể khác không liên quan đến hoạt động kinh doanh thì không được bảo hộ với danh nghĩa tên thương mại.

2. Điều kiện bảo hộ tên thương mại

Để tên thương mại được bảo hộ theo, tên thương mại phải có khả năng phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh. Ngoài ra, tên thương mại còn phải đáp ứng một số yêu cầu khác, đó là:

+ Chứa thành phần tên riêng, trừ trường hợp đã được biết đến rộng rãi;

+ Không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thương mại mà người khác đã sử dụng trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh;

+ Không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác hoặc với chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ trước ngày tên thương mại đó được sử dụng.

Trong thực tế tên thương mại thường là tên doanh nghiệp hoặc được sử dụng thường xuyên trong hoạt động kinh doanh của mỗi chủ thể kinh doanh, nên quyền sở hữu tên thương mại được xác lập trên cơ sở thực tiễn sử dụng hợp pháp tên thương mại đó tương ứng với khu vực và lãnh thổ kinh doanh, mà không cần thực hiện thủ tục đăng ký tên thương mại đó tại cục Sở hữu trí tuệ.

3. Quyền của chủ sở hữu tên thương mại

Quyền sở hữu tên thương mại được xác lập trên cơ sở sử dụng hợp pháp tên thương mại đó mà không cần thực hiện thủ tục đăng ký tên thương mại đó tại Cục sở hữu trí tuệ.

Chủ sở hữu tên thương mại có quyền:

– Sử dụng tên thương mại vào mục đích kinh doanh, thể hiện tên thương mại đó trong các giấy tờ giao dịch, hàng hóa, bao bì sản phẩm, quảng cáo;

– Chuyển giao tên thương mại cho người khác với điều kiện việc chuyển giao phải được tiến hành cùng với toàn bộ cơ sở kinh doanh và hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó;

– Yêu cầu các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm tên thương mại;

Tên thương mại được bảo hộ cho đến khi chủ sở hữu tên thương mại còn hoạt động kinh doanh dưới tên đó.

4. Hành vi xâm phạm quyền đối với tên thương mại

Mọi hành vi sử dụng chỉ dẫn thương mại trùng hoặc tương tự với tên thương mại của người khác đã được sử dụng trước cho cùng loại sản phẩm, dịch vụ hoặc cho sản phẩm, dịch vụ tương tự, gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, cơ sở kinh doanh, hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó đều bị coi là xâm phạm quyền đối với tên thương mại.