Dịch vụ pháp lý (CPC 861)

Trong thời kỳ hội nhập kinh tế, những năm gần đây Việt Nam đang dần trở thành một đất nước có nhu cầu rất lớn về các dịch vụ pháp lý. Tuy rằng đây là một hướng đi mới nhưng lại rất phù hợp với nhu cầu thực tế của đất nước. Đó là lý do các nhà đầu tư nước ngoài đến từ các nước phát triển (vốn có nền tảng vững chắc về pháp luật) rất muốn đầu tư vào thị trường gần 100 triệu dân như Việt Nam.

Cơ sở pháp lý

  1. Các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã cam kết với WTO ;
  2. Các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) ;
  3. Hiệp định khung ASEAN về Dịch vụ (AFAS) ;
  4. Luật Luật sư số 65/2006/QH11 ngày 29/6/2006.
  5. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Luật sư, số 20/2012/QH13 ngày 20/11/2012.
  6. Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung, số 36/2009/QH12 ngày 19/6/2009.

Điều kiện đầu tư

1. WTO, FTAs, AFAS:

a) Hình thức đầu tư: Tổ chức luật sư nước ngoài được phép thành lập hiện diện thương mại tại Việt Nam dưới các hình thức sau:

  • Chi nhánh của tổ chức luật sư nước ngoài;
  • Công ty con của tổ chức luật sư nước ngoài;
  • Công ty luật nước ngoài ;
  • Công ty hợp danh giữa tổ chức luật sư nước ngoài và công ty luật hợp danh Việt Nam.

Hiện diện thương mại của tổ chức luật sư nước ngoài được phép tư vấn luật Việt Nam nếu luật sư tư vấn đã tốt nghiệp đại học luật của Việt Nam và đáp ứng được các yêu cầu áp dụng cho luật sư hành nghề tương tự của Việt Nam.

b) Phạm vi hoạt động: Tổ chức luật sư nước ngoài được phép cung cấp các loại hình dịch vụ pháp lý, ngoại trừ:

  • Tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa hay đại diện cho khách hàng của mình trước Tòa án Việt Nam.
  • Dịch vụ giấy tờ pháp lý và công chứng liên quan tới pháp luật Việt Nam.

2. Pháp luật Việt Nam

a) Hình thức đầu tư:

  • Chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài;
  • Công ty luật trách nhiệm hữu hạn 100% vốn nước ngoài;
  • Công ty luật trách nhiệm hữu hạn dưới hình thức liên doanh;
  • Công ty luật hợp danh giữa tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài và công ty luật hợp danh Việt Nam.

b) Phạm vi hoạt động:

  • Thực hiện tư vấn pháp luật và các dịch vụ pháp lý khác;
  • Không được cử luật sư nước ngoài và luật sư Việt Nam trong tổ chức hành nghề của mình tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trước Tòa án Việt Nam hoặc thực hiện các dịch vụ về giấy tờ pháp lý và công chứng liên quan tới pháp luật Việt Nam.
  • Không được kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp, dịch vụ giám định sở hữu công nghiệp.

c) Yêu cầu với nhà đầu tư nước ngoài: Là doanh nghiệp đã được thành lập và đang hành nghề luật sư hợp pháp tại nước ngoài.